HanoTours

Lễ hội hoa cúc chùa Ba Vàng

Admin Thứ hai, 15/5/2023
Chia sẻ:

Chùa Ba Vàng còn có tên là Bảo Quang Tự được xây dựng vào thế kỷ 17 đời vua Lê Dụ Tông, chùa tọa lạc trên ngọn núi Thành Đẳng Sơn cao 340m so với mực nước biển, tại một vị trí đẹp trong thành phố Uông Bí – Tỉnh Quảng Ninh và đồng thời cũng là một ngôi cổ tự nằm trong dãy núi Yên Tử, quần thể di tích núi Yên Tử.  Hiện nay, nơi đây là một trong những trung tâm hoằng dương chính pháp của tỉnh Quảng Ninh; là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa Phật giáo nói chung và văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói riêng.

Tại mảnh đất non thiêng Yên Tử trong quá trình khảo sát và tìm hiểu thì nơi đây cùng lúc tồn tại cả bốn loài cây được dân gian đặt vào bốn loài Tứ Quý: Tùng – Cúc – Trúc – Mai, cho đến ngày hôm nay hình ảnh những cây Tùng – Cúc - Trúc  - Mai vẫn còn hiện diện như một biểu tượng cao quý của thiền phái Trúc Lâm. Riêng Hoa Cúc là một loài hoa đặc trưng của mùa Thu, gần gũi và thân quen với con người, là một trong những biểu tượng văn hóa Phật giáo dưới thời nhà Trần. Trong thơ ca của Tam Tổ Trúc Lâm hình ảnh hoa cúc luôn được xuất hiện mang nhiều tinh thần triết lý của đạo Phật Trúc Lâm; Đặc biệt trong thơ của Tam tổ Huyền Quang hình ảnh hoa cúc trở nên thi vị mang nhiều triết lý nhân sinh

Lễ Hội Hoa Cúc diễn ra vào ngày 9/9 Âm lịch là ngày Tết cổ xưa của người Việt, gọi là tết Trùng Dương hay còn gọi là tết Trùng Cửu, ngày tết Hoa Cúc, lấy sự lặp lại của hai số 9 để nói về sự trường thọ, là Lễ hội mang nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống và tâm linh đang được khôi phục và thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân Phật tử trên khắp mọi miền đất nước

Được sự cho phép của UBND, sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh, Tiếp nối thành công của Lễ hội Hoa Cúc lần thứ nhất – Tp Uông Bí phối hợp với chùa Ba Vàng tổ chức Lễ hội Hoa Cúc - Tết Trùng Dương – Lễ Tri Ân lần thứ hai quy mô lớn hơn. Lễ hội phục dựng và hội tụ những nét đẹp của đời sống văn hóa truyền thống dân tộc Việt với nhiều chương  trình đặc sắc gắn liền hoa Cúc trong văn hóa Phật giáo, dân tộc. Tâm điểm chương trình nhằm hướng mọi người tới những giá trị Chân – Thiện – Mỹ,  lòng Tri ơn Báo ơn của chúng ta đối với cha mẹ, thầy tổ, quốc gia xã hội, Tam Bảo cùng chúng sinh vạn loại.

Tại Lễ hội Hoa Cúc lần này Ban tổ chức sưu tập, giới thiệu và triển lãm các tác phẩm nghệ thuật đặc sặc được tạo nên bởi nhiều loại hoa cúc đến từ khắp mọi miền đất nước. Trong không gian của chùa những làng hoa sẽ được các nghệ nhân khéo léo đầy tâm huyết dựng lên và trang trí theo nhiều chủ đề mang ý nghĩa khác nhau, với những cái tên như Làng Hoa Tri Ân Cha Mẹ, Làng Hoa Tri Ân Bác Hồ, Làng  Hoa Tri Ân Các Anh Linh Anh Hùng Liệt Sỹ, Làng Hoa Tri Ân Thầy Cô ….Với sự kết hợp hài hòa phong cách hiện đại và cổ kính, hứa hẹn đem lại cho người thưởng lãm không chỉ là những khám phá bất ngờ thú vị, những phút giây thư giản bình an trước vẻ đẹp chân phương mộc mạc của hoa cúc mà còn được nuôi lớn thêm trong tâm hồn những giá trị đạo đức cao quý của con người. Bên cạnh đó là các hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống mang tinh thần Phật giáo như: Hoạt động biểu diễn thư pháp; nghệ thuật Cải lương, trình diễn các điệu múa Phật giáo; Thiền trà và nghe giảng Pháp; Hội họa, Ẩm Thực truyền thống; Biểu diễn pha trà và cắm hoa dâng cúng Phật …

Với xã hội đang trên đà phát triển, sự nghiệp được đổi mới đang vươn lên từng ngày trên đất nước Việt Nam, là đệ tử của trường phái Trúc Lâm Yên Tử chư tăng ni phật tử Chùa Ba Vàng mong muốn phục dựng Lễ hội Hoa cúc để cho mọi người thông qua hình tượng hoa cúc mà phát huy được tính nhân văn của con người, mong cho mọi người sống có nghĩa tình với nhau, chung thủy với nhau và giữa người với người sống có tình người với nhau, gắn kết lại với nhau, sống biết tri ơn và đền ơn; mặt khác là để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tinh thần của nhân dân trong thời đại văn minh, đồng thời cầu chúc đất nước hòa bình, thịnh vượng, nhân dân ấm no hạnh phúc.

CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ HÀ NỘI

0

0 đánh giá

0

0

0

0

0

Đánh giá của bạn về bài viết:

liên hệ zalo
liên hệ sdt